5 thg 4, 2011

Bao giờ Việt Nam mới có phim hay thật sự?

Không biết cho đến bao giờ Việt Nam mình mới có 1 bộ phim hay như phim của Trung Quốc, Hồng Kông nói về lòng yêu nước của dân tộc, của nhân dân?
Nói như thế không phải vì Việt Nam chưa có bộ phim nào ra trò. Ít ra trước đây cũng có một vài bộ khá hay như Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Người con gái đất đỏ, Người đẹp Tây Đô, Đất phương Nam, Dưới cờ đại nghĩa.... nhưng thực chất phim Việt Nam  không lấy được nước mắt người xem nhiều lắm, nhất là đối với lớp trẻ ( chưa biết chiến tranh là gì, chỉ biết trên lý thuyết, sách vở ). Những bộ phim thời kháng chiến của VN, hay nhưng quá dài, khiến người coi có vẻ nhàm chán, coi hoài hoài, không thấy kết.
Trong khi tôi coi phim HK, TQ, tuy là chuyện của đất nước người ta, tôi không biết gì, lại cũng chưa biết chiến tranh là gì, nhưng những bộ phim đó thực chất lấy được nước mắt khán giả. Tuy những bộ phim tôi từng xem,  họ không làm hẳn nội dung nói về kháng chiến, đi sâu tường tận vào từng chi tiết cụ thể người cách mạng, du kích, làm việc như thế nào, họ chiến đấu như thế nào. Nhưng những bộ phim rất rất bình thường của họ, có những chi tiết rất nhỏ nhặt, thậm chí chỉ xuất hiện khoảng dưới 5 phút, họ đã lồng vào tinh thần yêu nước của họ.
Rất nhỏ, nhưng xuyên suốt bộ phim. Rất thông minh khi họ không đưa tinh thần yêu nước của người dân họ một cách lộ liễu khiến người xem nhàm, nhưng nếu chú ý sẽ thấy, hầu như bộ phim nào cũng dạy, cũng nói lên một tinh thần nào đó của dân tộc họ. Như bộ phim tôi vừa xem : Nghĩa hải hào tình: 1 đàn chị xã hội đen, ông trùm buôn ma túy dưới trướng có hơn 3000 đàn em, tôi tưởng tượng bọn họ mà làm Hán gian, không biết sẽ như thế nào, nhưng họ lại rất yêu nước; Phụng xuyên mẫu đơn: một cô gái chân yếu tay mềm, không biết làm gì cả cũng muốn xông pha trận mạc, chỉ để làm những công việc đơn giản như cứu thương, may vá cho các chiến sỹ; Cánh hạc thời gian...., Bí ẩn trong nhà hát : tuy là đã qua rồi cái thời chiến tranh loạn lạc, nhưng cũng có nhắc tới tinh thần yêu nước của đồng bào họ. Trong phim có một nhân vật nhỏ, ông già bị điên, lúc nào cũng nhớ mình là lính chống Nhật, lúc nào cũng nhớ, cũng mong đất nước thắng lợi...Một người điên không nhớ gì, chỉ nhớ được thế. Không nói rõ ra, nhưng những người làm phim rất xuất sắc đưa những chi tiết nhỏ nhặt đó để đề cao tinh thần yêu nước của dân tộc họ cho các giới trẻ, cho những người không biết chiến tranh là gì, ông cha họ đã chiến đấu như thế nào. Đó có lẽ cũng là một cách dạy lớp trẻ sau này tinh thần yêu nước ngầm trong lòng họ.


Khi nào thì VN ta mới có thể lồng ghép một cách tỷ mỉ, khéo léo như thế trong những bộ phim ngày nay để có thể dạy con cháu sau này, nhắc lại tinh thần cha ông ta như thế nào? Vì nếu chỉ làm một trong những thể loại chuyên sâu như phim kháng chiến chống Mỹ, kháng chiến chống Pháp, phim tình cảm gia đình xã hội thôi thì không thể nào đưa tinh thần cha ông ta vào lòng giới trẻ được, vì giới trẻ, các bà nội trợ,...những người xem phim nói chung, hầu như họ chỉ xem phim theo thể loại mà họ thích,rất ít người thích xem phim kháng chiến, nên họ sẽ bỏ qua khi tivi, rạp chiếu phim chiếu những phim như thế.
Tôi không phải là một người thích hàng ngoại mà chê hàng nội, nhưng thực chất phim Việt chưa đạt được trình độ như thế. Tôi muốn phim Việt mình cũng có thể lấy nước mắt được với những chi tiết nhỏ nhặt như thế, không phải vì tình yêu đôi lứa mà vì những cái gì đó lớn lao hơn. Nhưng cũng đừng nên lạm dụng quá, đâm ra nhàm. Mong là những bộ phim Việt sau này có thể đi sâu vào lòng khán giả hơn là chỉ coi theo phong trào, coi xong rồi nhắc lại không biết nhân vật đó là ai. Phải làm sao cho bộ phim đi sâu vào lòng khán giả, họ nhớ hoài nhớ hoài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét