7 thg 11, 2010

CÂY NGŨ GIA BÌ & CÔNG DỤNG





Ngũ gia bì còn có tên là cây chân chim, sâm non, thuộc loại cây cảnh đắt tiền. Trong Đông y, nó được dùng chữa đau nhức xương khớp, đau bụng, suy nhược...

Ngũ gia bì có 2 loại (chân chim và nhiều gai), đều là cây thuốc quí thuộc họ Nhân sâm. Bài viết này chỉ đề cập đến cây Ngũ gia bì chân chim, tên khoa học Scheffera octophylla (Lour) Harms. Cây cao 2-8 m. Lá kép hình chân vịt, mọc so le, có 6-8 lá chét hình trứng. Cụm hoa mọc thành chùm tán, hoa nhỏ màu trắng. Quả mọng hình cầu, đường kính 3-4 mm, khi chín có màu tím đen, trong có 6-8 hạt.

Cây mọc nhiều ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung và có nhiều ở dãy Nam Trường Sơn. Ngay cả vùng đồng bằng cũng trồng tốt. Gần đây, ngũ gia bì chân chim được xem là cây cảnh đẹp thuộc loại “cao cấp”, đắt tiền.
Các nghiên cứu hiện đại cho thấy ngũ gia bì có những tác dụng tốt trong điều trị các bệnh về nội khoa. Trong Đông y, nó là một vị thuốc quý có tác dụng làm mạnh gân cốt, trừ phong, đau nhức xương khớp, đau bụng, trẻ em vận động cơ bắp yếu, hạn chế đi lại, chống suy nhược thần kinh, tăng trí nhớ, kháng viêm, giảm đau, hạ sốt...

Ngũ gia bì có tác dụng rất tốt trong điều trị các bệnh mạn tính ở người cao tuổi, tăng sức đề kháng, bồi dưỡng sức khỏe, trị đau nhức khớp ở phụ nữ tuổi tiền mãn kinh. Nó có tác dụng tốt với bệnh nhân suy giảm chức năng gan, rối loạn nhẹ bilirubin máu toàn phần. Ngũ gia bì còn có tác dụng hạ đường máu ở những bệnh nhân đái tháo đường tụy, điều trị sau phẫu thuật. Không được dùng cho những bệnh nhân đường máu thấp.

Rượu ngũ gia bì: Ngũ gia bì cạo sạch lớp bẩn dính bên ngoài vỏ; rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, sao vàng, xay tán thành bột. Cứ 100 g bột ngũ gia bì, cho 1 lít rượu gạo 45 độ ngâm trong 10 ngày, lắc đều trước khi uống, uống 1 cốc con trước mỗi bữa cơm chiều. Tác dụng: Chữa đau nhức khớp xương, giúp ăn ngủ ngon.
Đơn thuốc cho phụ nữ: Ngũ gia bì, mẫu đơn bì, xích thược, đương quy mỗi vị 40 g, sao vàng tán nhỏ, ngày uống 2 lần, mỗi lần 4 g. Bài này rất tốt cho phụ nữ tuổi cao, người lao động nặng, mỏi mệt toàn thân, hơi thở ngắn (thường thở ra, xây sẩm mặt mày), cảm sốt ra nhiều mồ hôi, ăn uống kém, ngủ ít.
(theo SK&ĐS)

Cây Hà Thủ Ô Quý hiếm đến mức nảo ?

 
Hà Thủ Ô
Ds Nguyễn ngọc Lan & Bs Thú y Nguyễn thượng Chánh

Nếu đã từng sống ở Việt Nam sau 75 không một ai mà lại không nghe nói đến Hà thủ Ô... Nó là một loại thảo dược, một cây thuốc rất phổ biến tại Trung Quốc, Nhật Bản và tại Việt Nam ta từ cả ngàn năm nay rồi. Thân củ (rhizome) và rễ Hà thủ Ô có tính năng bổ dưỡng, giúp người bệnh mau phục hồi sức khỏe và đẩy lui tuổi già...Các ông xồn xồn tóc bắt đầu điểm muối tiêu và bết bát về sinh lý, hãy mau mau tìm mua rượu Hà thủ Ô về mà uống thì tóc sẽ lâu bạc và mình sẽ ngon lành trở lại không thua gì hồi còn niên thiếu. Đó là những tin đồn đãi trong dân gian về cây Hà thủ Ô…!
Đừng tưởng Hà thủ Ô chỉ có bán ở bên Trung quốc và Việt Nam mà thôi, món thảo dược nầy cũng rất ư là phổ biến trong các tiệm thuốc thiên nhiên tại hải ngoại và trên Internet dưới những tên rất lạ tai như Fo Ti, He Shou Wu, Shou wu Pian, v.v…
Kể chuyện đời xưa
Theo tương truyền rằng, thì hồi xửa hồi xưa bên Tàu có Ông Hà điền Nhi 58 tuổi, người ốm yếu, không vợ con, buồn cho số phận hẩm hiu nên tối ngày chỉ biết mượn rượu để giải sầu. Một hôm Ông xỉn quá nên ngủ quên ở bìa rừng. Khi thức dậy Ông ta nhìn thấy trước mặt có 2 nhánh dây leo quấn lấy nhau từng chập. Ông mới chợt nghĩ ra…nên bèn đào lấy củ của cây đó đem về phơi khô và nấu uống thử ròng rã trong nhiều tháng. Lạ thay, tóc ông không còn bạc nữa mà lại trở nên đen tuyền và càng ngày Ông càng cảm thấy mạnh khỏe hơn trước một cách lạ kỳ. Một thời gian sau Ông tìm được một bà vợ và chỉ trong vòng 10 năm sanh ra được rất nhiều con ở chật nhà. Ông ta sống đến 160 tuổi thì mới qua đời. Cháu Ông ta cũng theo gương ông nội mà uống Hà thủ Ô nên cũng thọ được 130 tuổi...
Người Trung Hoa họ gọi cây nầy là He shou Wu (Black haired Mr He), hay Hà Thủ Ô nếu gọi theo tiếng Việt Nam mình.
Hà thủ Ô là cây gì?
Tên khoa học là Polygonum multiflorum thuộc họ Polygonaceae. Hà thủ Ô mọc hoang ở Á châu như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Việt Nam…Được Trung Quốc và Nhật Bản sử dụng như một loại dược thảo từ mấy ngàn năm nay. Tại các quốc gia Âu Mỹ cùng với sự bộc phát của phong trào thuốc thiên nhiên từ vài chục năm nay nên Hà thủ Ô cũng thấy xuất hiện nhiều trong các tiệm bán thuốc thiên nhiên và trên Internet dưới rất nhiều tên khác nhau như: Fo Ti, Chinese cornbind, Flowery knotweed, Climbing knotweed, He shou Wu, Ho shou Wu, Multiflora preparata, Shen Min, Shou wu Pian, Zi shou Wu…
Hà thủ Ô là một loại cây leo, có thân rễ nằm sâu trong đất. Rễ càng già càng quý. Thông thường, sau khi cây đã mọc ba năm thì có thể sử dụng được rồi.
Đông Y và nhóm Thuốc Thiên Nhiên nói gì về Hà thủ Ô?
Hà thủ Ô đào lên còn nguyên xi, không chế biến xài liền thì gọi là Hà thủ Ô trắng (white Fo Ti). Có chứa nhiều chất chống oxyt hóa (antioxidants), dùng để giải độc máu và để nhuận tràng (laxative).
Theo sách Tây cho biết, người Trung quốc họ chế biến Hà thủ Ô bằng cách đem nấu trong nước đậu đen để có được Hà thủ Ô đỏ (red Fo Ti). Hà thủ Ô đỏ có nhiều tính năng trị liệu hơn Hà thủ Ô trắng... Hà thủ Ô sắc uống để bổ máu, bổ gan thận, bổ xương gân, giúp đẩy lui tuổi già, giúp tăng trí nhớ, ngừa bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson, trị mất ngủ, mệt mỏi, giúp tóc lâu bạc cũng như giữ cho tóc được đen tuyền. Hà thủ Ô giúp bồi dưỡng sức khỏe, chống lão hóa, tăng sức miễn dịch, kháng khuẩn, trị bệnh ngoài da, hạ total cholesterol, hạ cholesterol xấu LDL, tăng cholesterol tốt HDL, hạ chất mỡ triglyceride, hạ đường huyết và đặc biệt có tính bồi dưỡng sinh lý cho mấy ông nào hơi bết bát học lâu thuộc bài...
Rượu Hà thủ Ô là món thuốc trợ dương rất tốt, thuộc loại Ông uống Bà khen.
Hà thủ Ô có thể được sử dụng dưới nhiều dạng như phơi khô, sắc uống như trà, ngâm rượu, chế thành viên hoàn, trích tinh chất, tán thành bột, viên nang (capsule), trà tan, v.v…
Tại Bắc Mỹ, Hà thủ Ô hay Fo Ti thường được quảng cáo đại loại như trên, nhưng ngoài ra dược thảo nầy cũng còn được bán rất mạnh để giúp cho đen tóc và ngừa sói đầu!
Hà thủ Ô cũng có thể tiềm với gà, nấu chung với các loại thuốc Bắc như dương quy, sinh địa, đinh hương và mật ong, v.v...Muốn ngâm rượu thì dùng 200g Hà thủ Ô+200g long nhãn+15g đinh hương+50g mật ong ngâm trong 2 lít rượu trắng. Sau 36 ngày là dùng được rồi, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 20ml (theo ThS Hoàng Khánh Toàn,VnExpress).
Hà thủ Ô có những hoạt chất gì? - Phần được dùng để làm thuốc là rễ và thân rễ...
Hà thủ Ô tươi, không chế biến có chứa các phụ chất (derivatives) anthraquinones như chryso -phanol và emodin. Các chất nầy có tính nhuận tràng (laxative).
Ngoài ra còn có stilbene glycoside rất tốt cho gan, ngăn cản tác dụng của các enzymes gan là ALT (alanine aminotransferase) và AST (aspartate aminotransferase)...Anthroquinones làm hạ đường huyết và cũng có thể chuyển ra thành anthrones trong ruột. Chất nầy rất độc cho gan như làm viêm gan chẳng hạn...
Hà thủ Ô phơi khô, có thể làm gia tăng chất superperoxide lipid và chất malonyldialdehyde (MDA), được xem là dấu ấn sinh học (biomarker) của hiện tượng chống lão hóa (anti-aging). Hà thủ Ô không làm tăng chất ceruloplasmin trong serum, làm giảm hiện tượng teo tuyến thymus và ngăn cản tác dụng của hai chất Prednisolone và Hydrocortisone.
Chiết xuất Hà thủ Ô từ rượu có thể làm tăng cholesterol tốt HDL, làm giảm triglyceride, giảm total cholesterol và làm chậm lại tiến trình xơ cứng động mạch (atherosclerosis)...
Hình như chiết xuất Hà thủ Ô từ nước có khả năng ngăn trở virus hépatite B phát triển tăng số (làm réplication)...Hà thủ Ô cũng có một ít tác dụng của hormone nữ 17 bêta-eostradiol tương tợ như ở đậu nành.
Cũng có thể có những phản ứng bất lợi khi uống Hà thủ Ô

Có thể bị tiêu chảy, đau bụng và nôn mửa. Gần đây cũng có một vài khảo cứu cho biết đã xảy ra một vài ca viêm gan cấp tính do việc sử dụng Hà thủ Ô...Triệu chứng chung là vàng da vàng mắt, nước tiểu sậm màu và các enzymes AST và ALT của gan đều tăng lên. Ngưng sử dụng Hà thủ Ô thì các triệu chứng nầy cũng biến mất.
Hà thủ Ô có thể tương tác với một số thuốc Tây
-*
Với thuốc trị tiểu đường: Khiến đường huyết tuột xuống quá thấp (hypoglycemia). Đó là các thuốc Glimepiride (Amaryl), Glyburide (Diabeta)…
-*
Với thuốc trị bệnh tim Digoxin
(Lanoxin): Trên lý thuyết nếu lạm dụng Hà thủ Ô có thể làm tăng nguy cơ máu bị mất quá nhiều chất potassium (hypokaliemia) và thuốc Digoxin trở nên độc hại cho tim.
-*
Với các thuốc lợi tiểu diuretic
: Lạm dụng Hà thủ Ô trong thời gian uống thuốc lợi tiểu có thể làm mất thêm nhiều potassium hơn nữa. Để ngăn ngừa tình trạng nầy, có thể uống thêm các chất bổ sung potassium. Các thuốc lợi tiểu làm mất potassium là Chlorothiazide (Diuril), Chlorthalidone, Furosemide (Lasix), Hydrochlorothiazide (Hydrodiuril).
-*
Với các thuốc xổ
: Trên lý thuyết nếu lạm dụng Hà thủ Ô cùng lúc uống thuốc xổ thì có thể có nguy cơ xổ quá mạnh làm mất đi hết các chất điện giải, rất nguy hiểm cho sức khỏe.Hà thủ Ô làm sai lệch kết quả xét nghiệm Labo
-*Test Cholesterol: Hà thủ Ô làm hàm lượng Cholesterol total trong máu giảm xuống và làm sai lệch kết quả thật sự.
-*Colorimetric Test (thử màu): Hà thủ Ô gây sậm màu nước tiểu.
-*Test Glucose: Hà thủ Ô làm giảm đường huyết.
-*Test potassium: chất anthraquinones của Hà thủ Ô làm tuột potassium trong máu xuống.
-*Test Triglyceride: Hà thủ Ô làm giảm Triglyceride trong máu.
Tránh dùng Hà thủ Ô nếu bạn đang có những bệnh:
-Bệnh về đường ruột: như đang bị tiêu chảy, nghẽn ruột, đau ruột dư, bệnh Crohn's disease hay bị viêm loét kết tràng (ulcerative colitis).
-Bệnh về tim.
-Bệnh về gan.
Kết luận
Tốt hay không tốt? Theo Đông y và Thuốc thiên nhiên thì Hà thủ Ô là một dược thảo rất tốt và sự kiện nầy đã được chứng minh từ cả ngàn năm nay rồi. Tây y cũng nhìn nhận Hà thủ Ô có thể có một số lợi ích nào đó đối với sức khỏe, nhưng phải được sử dụng một cách sáng suốt và cẩn thận. Tốt hơn hết nên tham khảo với bác sĩ gia đình của mình trước khi sử dụng Hà thủ Ô.
• Có thể không an toàn nếu uống vì vấn đề hại gan.
• Chưa có kết quả đáng tin cậy về mặt khoa học nếu sử dụng ngoài da.
• Có thể nguy hiểm lúc mang thai vì tính nhuận tràng của Hà thủ Ô.
• Có thể không an toàn lúc cho con bú. Chất anthroquinones của Hà thủ Ô có thể truyền qua sữa mẹ khiến cháu bé bị tiêu chảy.
Tài liệu tham khảo:
- Natural Medicines Comprehensive Database. Compiled by the Editors of Pharmacist's Letter and Prescriber's Letter, Sixth edition-2004.
- Subhuti Dharmananda PharmD, PhD. Potential rare reactions to He Shou Wu (Polygonum multiflorum). Institude for Traditional medicine, Portland, Oregon.
- Battinelli et al (2004). New case of acute hepatitis following consumption of Shou wu Pian, Annals of Internal Medicine 140: E589
- Park et al (2001). Acute hepatitis induced by Shou wu Pian, a herbal product derived from Polygonum multiflorum. Journal of Gastroenterology and hepatology 16:115-117.
- ThS Hoàng khánh Toàn. Hà thủ Ô bổ máu, làm đen tóc. Sức Khỏe & Đời Sống, VnExpress 29/01/2005.
- Huyền thoại Cây Hà thủ Ô. Sức Khỏe & Đời Sống. www.3c.com.vn 02/02/2007.
Montreal, May 12, 2007
Ds Nguyễn ngọc Lan & Bs Thú y Nguyễn thượng Chánh



Thông tin thêm về cây Hà Thủ Ô

Hà thủ ô còn gọi là giao đằng, dạ hợp và là loại thuốc quý. Hà thủ ô ít nhất có 3 tác dụng đặc biệt: làm đen râu tóc, có lợi cho việc sinh con và kéo dài tuổi thọ.
Làm đen râu tóc

Theo quan niệm của y học cổ truyền, râu tóc có quan hệ mật thiết với tạng thận, thận tàng tinh, tinh sinh huyết. Tóc là phần thừa của huyết cho nên nếu thận hư yếu thì tóc không được nuôi dưỡng đầy đủ sẽ sớm bạc và dễ rụng.

Ngược lại nếu thận tinh sung túc thì râu tóc dày khỏe và đen bóng. Hà thủ ô có công dụng bồi bổ can thận, dưỡng huyết tư âm, bởi vậy khả năng làm đen râu tóc của vị thuốc này là điều dễ hiểu.

Có lợi cho việc sinh con

Lý luận của y học cổ truyền cho rằng thận tàng tinh, chủ về việc sinh con đẻ cái. Nếu thận tinh sung túc thì sự sinh trưởng phát dục của cơ thể diễn ra thuận lợi, năng lực tính dục được khôi phục và nâng cao nên rất dễ sinh con. Trong sách Bản thảo cương mục, danh y Lý Thời Trân đã ghi lại chuyện Minh Thế Tông hoàng đế chữa khỏi chứng bất dục bằng phương thuốc Thất bảo mỹ nhiêm đan trứ danh với chủ dược là hà thủ ô.
Kéo dài tuổi thọ

Y học cổ truyền cho rằng, sự già yếu của con người cũng do quá trình suy giảm của thận tinh quyết định, bởi vậy việc sử dụng hà thủ ô lâu dài để bổ ích thận tinh cũng có tác dụng kéo dài tuổi thọ.

Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại đã chứng minh hà thủ ô có tác dụng điều chỉnh rối loạn lipid máu, giúp ngăn ngừa tình trạng vữa xơ động mạch, bảo vệ tế bào gan, thúc đẩy quá trình sản sinh hồng cầu, nâng cao khả năng miễn dịch, cải thiện hoạt động của hệ thống tuyến nội tiết, đặc biệt là tuyến thượng thận và giáp trạng. Ngoài ra, hà thủ ô còn có tác dụng kháng khuẩn, nâng cao khả năng chống rét của cơ thể, nhuận tràng và giải độc.

Thời xưa, phương thức dùng hà thủ ô chủ yếu là sắc uống, chế thành viên hoàn, cao thuốc hoặc ngâm rượu. Hiện nay, với công nghệ hiện đại người ta bào chế thành các dạng tiện dùng như bột hà thủ ô, viên nang, trà tan...

Một số món ăn - bài thuốc chứa hà thủ ô

- Hà thủ ô 30g, gà mái 1 con, gia vị vừa đủ. Gà làm thịt, mổ bụng, rửa sạch. Hà thủ ô nghiền thành bột đựng trong túi vải buộc chặt rồi cho vào bụng gà. Tất cả đem hầm bằng nồi đất thật nhừ, chế thêm gia vị, dùng làm canh ăn trong ngày.

- Hà thủ ô 60g, trứng gà 3 quả. Sắc hà thủ ô lấy nước bỏ bã rồi đập trứng vào đun chín là được.

- Hà thủ ô 30g, đại táo 3 quả, gạo tẻ 100g, đường đỏ 50g. Hà thủ ô ngâm nước 2 giờ rồi sắc trong 1 giờ, bỏ bã lấy nước đem nấu với gạo và đại táo thành cháo, chế thêm đường ăn trong ngày; hoặc hà thủ ô 15-20g cho vào nồi đất hầm nhừ rồi cho thêm 50-100g gạo nấu thành cháo, chế thêm mật ong ăn khi đói.

- Hà thủ ô 20g, sơn tra 20g. Hai thứ thái vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15-20 phút là dùng được, uống thay trà hằng ngày.

- Hà thủ ô 120g, đương quy 60g, sinh địa 80g, rượu trắng 2.500ml. Các vị thuốc thái vụn gói trong túi vải rồi cho vào vò ngâm với rượu, nút kín để nơi thoáng mát khô ráo, sau 1 tuần có thể dùng được. Uống mỗi ngày 15ml vào buổi sáng.

- Hà thủ ô 200g, kỷ tử 50g, long nhãn 200g, đinh hương 15g, mật ong 50g, rượu trắng 2.000ml. Các vị thuốc thái vụn ngâm với rượu trong 36 ngày là dùng được. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 15-20ml.

- Hà thủ ô 30g, ngưu tất 15g, sinh địa 15g, đương quy 15g. Các vị thái vụn hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15-20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.

- Hà thủ ô 50g, thỏ ty tử 25g, kỷ tử 25g, xích linh 50g, ngưu tất 50g, đương quy 25g, bổ cốt chi 12,5g, bạch linh 50g. Các vị tán bột, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 9g với mật ong pha rượu nhạt.

Cần lưu ý, khi dùng hà thủ ô cần kiêng ăn huyết động vật, hành, tỏi và củ cải. Khi bào chế không được dùng các dụng cụ bằng kim loại. Cách thức chế biến hà thủ ô khác nhau cũng cho tác dụng khác nhau.

Nhìn chung, hà thủ ô đã qua chế biến có công dụng bổ thận ích tinh, tư âm dưỡng huyết, còn hà thủ ô sống và tươi có công dụng thông tiện, giải độc.
(Theo SK & ĐS)

Cây Nhàu – Một dược liệu quý.

 
Cây Nhàu có tên khoa học là Morinda citrofolia Lin, thuộc Họ Cà phê Rubiaceae. Cây này còn gọi là cây Ngao, Nhàu núi, Giàu… Cây Nhàu cao chừng 6 - 8m, thân nhẵn, thường mọc hoang ở nơi ẩm thấp, dọc bờ sông suối.

Cây có nhiều cành to, lá mọc đối hình bầu dục, nhọn ở đầu, dài 12 - 15 cm. Hoa nở vào tháng 1 - 2, quả chín vào tháng 7 - 8. Quả hình trứng, xù xì, dài chừng 5 - 6 cm, khi non có màu xanh nhạt, khi chín có màu trắng hồng, mùi nồng và cay. Ruột quả có một lớp cơm mềm ăn được, chính giữa có một nhân cứng. Nhân dài chừng 6 - 7 mm, ngang chừng 4 - 5 mm, có 2 ngăn chứa 1 hạt nhỏ mềm

Từ lâu nhân dân Miền Nam đã dùng một số bộ phận như dùng rễ, lá và quả của cây Nhàu làm thuốc.

Cây Nhàu đã và đang được các cơ sở nghiên cứu, sản xuất dưới nhiều dạng bào chế khác nhau, không chỉ để bồi dưỡng sức khoẻ mà còn có tác dụng chữa một số bệnh.

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco - tỉnh Đồng Tháp; Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 25 là một trong những Công ty đi đầu trong nghiên cứu và sản xuất các dược phẩm đặc chế từ dược liệu quý này.

Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Y tế Domesco, tỉnh Đồng Tháp đã có thuốc viên Morinda Citrofolia (viên bao phim và viên nang); Nước ép trái Nhàu Doromi; Rượu Morinda và Rượu trái Nhàu. Những sản phẩm trên đã được Bộ Y tế cấp Số đăng ký và lưu hành trên toàn quốc. Đặc biệt viên bao phim Morinda Citrofolia đã và đang được xuất khẩu ra thị trường Thế giới.

Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 25 hiện đang sản xuất và lưu hành toàn quốc các sản phẩm như Viên nang Unfamorin; Viên trái Nhàu; Nước ép trái Nhàu; Trà trái Nhàu (túi lọc) và một số dạng bào chế khác đang được nghiên cứu, sắp đưa vào sản xuất

Những sản phẩm trên từ dược liệu Việt Nam, được nghiên cứu khoa học và sản xuất trên dây chuyền hiện đại đạt tiêu chuẩn GMP đang góp phần biến những tiềm năng dược liệu nước ta thành hiện thực, đưa ngành Dược nước ta phát triển đáp ứng với yêu cầu của thời kỳ mới.
Theo Tạp chí cây thuốc quý, 11/03/2008
Sử dụng dễ nhàu trong y học cổ truyền 
Khác với những lời quảng cáo phóng đại và cường điệu về công dụng của sản phẩm NONI JUICE tinh chế từ trái nhàu, y học cổ truyền thường chỉ sử dụng bộ phận rễ của cây nhàu (tên gọi là Morinda Citrifolia L) như một vị thuốc an thần hoặc thông kinh hoạt huyết. Ngoài ra rễ nhàu hoặc trái nhàu không có tác dụng tiêu viêm, tiêu độc, bổ khí hoặc bổ huyết.
Từ lâu, nhân dân ta cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới như: Campuchia, Philippin, Ấn Độ... đã biết sử dụng cây nhàu để làm thuốc. Qua những hiệu quả thực tế ghi nhận được, các nhà khoa học cũng đã quan tâm nghiên cứu về cây nhàu. Năm 1848, Anderson, một nhà khoa học người Pháp, đã tách ra từ rễ nhàu chất Moridin có công thức tổng quát C28H30O15 và chất Moridon có công thức C15H10O5. Tiếp theo, nhiều nhà nghiên cứu khác như Perkin Hummel (năm 1894), Simonson (năm 1920), Briggs (năm 1948) cũng đã tiếp tục những công trình này.
Tại Việt Nam, nhàu là một trong số 300 vị thuốc Nam được Lương y Nguyễn An Cư (1877-1949), một thầy thuốc nổi tiếng của Nam bộ trước Cách mạng Tháng Tám khuyến khích sử dụng xen kẽ với thuốc Bắc để tiết kiệm cho người bệnh. Nhàu rừng và rễ nhàu cũng là hai trong số 208 vị thuốc Nam được Lương y Việt Cúc ghi lại trong 'Nam dược tính yếu lược' (1965). Đặc biệt từ năm 1952, bác sĩ Đặng Văn Hồ, nguyên giám đốc bệnh viện Lao Ngô Quyền và các cộng sự đã nghiên cứu hàng chục năm liền về tác dụng của rễ nhàu trên các bệnh nhân. Công trình này sau đó đã được tổng kết và công bố vào năm 1973. Giáo sư Đỗ Tất Lợi, nhà nghiên cứu nổi tiếng về 'Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam' cũng đã đề cập đến cây nhàu và xếp vị thuốc này vào danh mục những vị thuốc về huyết áp. Hiện nay, nhiều xí nghiệp dược trong nước cũng đã sản xuất thuốc viên và thuốc nước chiết xuất từ nhàu. Như vậy, có thể nói từ lâu cây nhàu đã được nghiên cứu và sử dụng trong y học cổ truyền cũng như trong y học hiện đại.
Mô tả
Cây nhàu thuộc họ cây cà phê, có tên là Morinda Citrifolia L. thường mọc ở vùng nhiệt đới và ôn đới. Ở nước ta, nhàu mọc nhiều ở những vùng ẩm thấp dọc theo bờ sông, suối, ao hồ hoặc mương rạch ở khắp các tỉnh miền Nam và một số tỉnh miền Trung. Cây nhàu có thể cao từ 6-8m, lá mọc đối, hình bầu dục, đầu nhọn, dài từ 12-15cm, rộng 6-8cm. Trái nhàu hình tròn hoặc bầu dục, có từng múi nhỏ. Trái lúc còn non màu xanh lợt, da láng, khi trái chín da chuyển sang màu đen, vị cay, nồng, khó ngửi. Vì mùi vị khó chịu nên Đông y thường chỉ sử dụng rễ nhàu hoặc thân cây nhàu thái mỏng để làm thuốc. Rễ nhàu bào ra có màu vàng sậm như màu nghệ, cây nhàu bào ra có màu vàng lợt hơn.
Tác dụng dược lý
Nhân dân ta nhiều nơi đã có truyền thống dùng rễ nhàu thái mỏng phơi khô sắc uống để trị đau lưng, phong thấp. Nhiều người cũng dùng trái nhàu chín chấm muối ăn với cùng công dụng. Phụ nữ một số vùng còn ăn trái nhàu chín để nhuận trường, hoạt huyết hoặc điều hòa kinh nguyệt.
Khi phân tích dược tính của rễ nhàu, giáo sư Caujolle - Giám đốc Trung tâm khảo cứu Quốc gia Pháp về độc tính của các chất, G.S. Youngken thuộc Trường Đại học Dược khoa Massachusette và G.S. Ikeda thuộc Trung tâm Nghiên cứu vệ sinh Quốc gia Nhật Bản… đã thí nghiệm trên vật nuôi và nhận thấy tinh chất rễ nhàu (Extrait des racines de Morinda Citrifolia) có tác dụng nhuận trường nhẹ và lợi tiểu nhẹ, làm êm dịu thần kinh, hạ huyết áp kéo dài, ít gây độc và không gây nghiện.
Sách 'Gia y trị nghiệm' của Lương y Việt Cúc có ghi 'rễ nhàu vị đắng, ấm, thông huyết mạch, trừ phong tê nhức mỏi, hạ huyết áp'.
Trên thực tế, qua kinh nghiệm sử dụng riêng của tác giả hoặc dùng độc vị hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác, rễ nhàu có 2 tác dụng đáng lưu ý: dưỡng tâm an thần và thông kinh hoạt huyết.
Những người thường hay căng thẳng tâm lý, dễ bực bội, cáu gắt, khó ngủ, khi dùng rễ nhàu có thể cảm thấy thần kinh được êm dịu, thư giãn, dễ ngủ. Ngược lại, một số bệnh nhân bình thường hay lo sợ vu vơ, buồn bực, than vãn thì sắc rễ nhàu uống, có thể làm cho họ cảm thấy tươi tỉnh lạc quan hơn. Tác dụng tự điều chỉnh giữa hưng phấn và ức chế, giữa thần kinh giao cảm và đối giao cảm cũng đã được nhóm nghiên cứu của bác sĩ Đặng Văn Hồ ghi nhận: 'Dựa theo sự quan sát trực tiếp trên người bệnh, chúng tôi nhận thấy thuốc ấy (nước sắc rễ nhàu) tạo nên một sự thoải mái rất đặc biệt, niềm vui, sự lạc quan, sự minh mẫn trong suy luận và cải thiện tánh tình người bệnh'.
Tính chất điều hòa thần kinh còn thể hiện ở hiệu quả của việc điều hòa huyết áp, thuốc sẽ làm hạ huyết áp ở những người huyết áp cao hoặc nâng huyết áp ở những người huyết áp thấp. 'Trong một số trường hợp sức khỏe quá kém vì áp huyết thường xuyên quá thấp, chúng tôi cũng cho bệnh nhân dùng thuốc rễ nhàu và chỉ thuốc ấy thôi đã gia tăng áp huyết của họ lên 2 hoặc 3 chỉ số'.
Ngoài tác dụng ổn định áp huyết qua cơ chế thần kinh, tác dụng thông kinh hoạt huyết cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc cải thiện tuần hoàn huyết nên rễ nhàu vẫn đang là một vị thuốc Nam thông dụng, được dùng phối hợp với những vị thuốc khác để chữa trị các chứng cao huyết áp do bất kỳ nguyên nhân nào.
Y học ngày nay đã biết rất rõ là khi thần kinh con người bị căng thẳng thì trương lực cơ bắp gia tăng, họat động nội tạng bị rối loạn, huyết áp tăng, lượng bạch cầu giảm… Trong điều kiện như vậy, tất cả các biện pháp hoặc các dược chất làm ổn định được thần kinh - trong đó có rễ nhàu hoặc trái nhàu - đều có khả năng giúp cải thiện tình hình. Tuy nhiên đối với các bệnh có tổn thương thực thể hoặc các chứng viêm nhiễm, nhất thiết phải cần các vị thuốc hoặc các phương pháp đặc trị mà rễ nhàu không thể thay thế được. Ngoài ra, rễ nhàu cũng không thể thay thế được các vị thuốc có tác dụng bổ khí hoặc bổ huyết, bổ âm hoặc bổ dương của y học cổ truyền.
Sau đây là một vài toa thuốc Nam có sử dụng rễ nhàu:
*Chữa nhức đầu kinh niên, đau nửa đầu:
- Rễ nhàu 24g, muồng trâu 12g, cối xay 12g, rau má 12g, củ gấu (sao, tẩm đồng tiện) 08g. Đổ 500ml nước, sắc còn 250ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày, uống lúc thuốc còn nóng.
* Chữa mất ngủ, suy nhược thần kinh, huyết áp cao:
- Rễ nhàu 24g, thảo quyết minh (sao thơm) 12g, rau má 08g, thổ phục linh 08g, vỏ bưởi 06g, gừng sống 3 lát. Đổ 500ml nước, sắc còn 250ml. Chia làm 2 lần uống trong một ngày, uống lúc thuốc còn nóng.
* Chữa đau lưng do thận suy, phong hàn thấp xâm nhiễm:
- Rễ nhàu 12g, bù ngót 08g, cối xay 08g, dây gùi 08g, ngó bần 08g, đậu sắn 08g, tầm gửi cây dâu 08g, rễ ngà voi 08g, ngủ trảo 12g. Đổ 500ml nước, sắc còn 250ml. Chia làm 2 lần uống trong một ngày, uống lúc thuốc còn nóng.
* Chữa nhức mỏi, tê bại do phong thấp:
- Rễ nhàu 40g, nghệ xanh 20g, nghệ vàng 20g, trái ô-môi 10g, thiên niên kiện 20g, vỏ quýt 20g, quế chi 20g, đỗ trọng 30g, vòi voi 40g, chùm gửi cây dâu 20g, rượu nếp 2lít, đường cát trắng 500g.
Ngâm tất cả thuốc vào 2 lít rượu nếp trong 7 ngày. Lọc kỹ bỏ xác. Pha rượu đã lọc với 1 lít nước đường. Mỗi lần uống một ly nhỏ cỡ 30-40ml. Ngày uống 2 lần. (Toa thuốc này ngoài rượu còn có một số thuốc có tính nhiệt khác như quế chi, vỏ quýt, thiên niên kiện nên những người thể tạng nhiệt, hay táo bón, áp huyết cao hoặc đang có các chứng viêm nhiễm không nên dùng).
Tác giả: Lương y VÕ HÀ (Sức khỏe & Đời sống)

Uống cây chó đẻ – làm lui bệnh viêm gan B với tỉ lệ 59 %.

 

Lương y Võ Mỹ Lưu, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, đang cầm cây chó đẻ -Ảnh: HOÀNG THẠCH VÂN
Tôi bị sốt liên tục nhiều ngày, vàng da, vàng mắt, không ăn được, chân, tay, bụng và mặt bị sưng. Khám nghiệm bác sĩ khoa lây Bệnh viện Thống Nhất cho biết tôi bị bệnh viêm gan siêu vi B rất nặng. Tôi và gia đình, các đồng nghiệp rất lo lắng băn khoăn.
Được sự quan tâm của tập thể bác sĩ, điều dưỡng tận tình chăm sóc cứu chữa, ngày đêm truyền máu, truyền dịch, cho dùng thuốc dồn dập liên tục bốn tháng, tôi vượt qua được cơn nguy kịch dần dần khỏi sốt, ăn được, ngủ được, khỏe lại.
Sau bốn tháng rưỡi điều trị, tôi được xuất viện. Gia đình và tôi tràn đầy niềm vui và biết ơn các bác sĩ điều trị cho tôi.
Đúng hẹn, sau một tháng tôi đến bệnh viện tái khám. Bác sĩ giữ lại điều trị. Gan tôi diễn biến xấu, đau âm ỉ vùng hạ sườn phải, chân bị sưng lại, người mệt kéo dài… và cứ lặp đi lặp lại chu kỳ tái khám và điều trị như vậy kéo dài hơn hai năm liên tục. Tôi và gia đình rất lo lắng.
Sang năm thứ ba – từ năm tôi bị bệnh – tôi về thăm lại đồng bào trước đây bao bọc giúp đỡ tôi trong kháng chiến. Bà con rất lo lắng, thương mến và chỉ nhiều cây thuốc trị gan. Đặc biệt là cây chó đẻ. Tôi đến Bệnh viện Y học dân tộc tỉnh nhà hỏi các lương y, họ khuyên dùng cây chó đẻ là tốt nhất.
Cách dùng: 50 gam/lần, uống liên tục sáu tháng; rồi dùng 30 gam/lần uống liên tục sáu tháng tiếp theo. Dùng 20 gam/lần, uống liên tục cho cả năm tiếp theo và dùng 15 gam/lần liên tục những năm sau đó đến khi lành bệnh. Về sau này tôi dùng không liên tục 5-10 gam nấu nước uống thay trà rất tốt.
Thế là tôi uống nước sắc từ cây chó đẻ đem lại kết quả không ngờ.Sau khi tôi uống nước sắc từ cây chó đẻ hai tháng liên tục của năm thứ ba (kể từ ngày tôi lâm bệnh) đến bệnh viện tái khám, bác sĩ cho biết bệnh gan tôi tiến triển rất tốt – gan không to, men gan hạ rất thấp, hạ sườn phải không còn đau, không còn mỏi mệt, ăn ngủ bình thường.
Và cũng từ ngày đó đến nay, một vài năm hoặc lâu hơn nữa tôi mới đi tái khám. Mỗi lần tái khám, bác sĩ cho biết gan tôi đã bình thường, chỉ men gan hơi cao một chút. Không đáng lo ngại gì nữa nhưng chú ý giữ gìn sức khỏe, ăn uống kiêng cữ là được. Tôi bỏ hẳn thuốc lá, rượu bia, dầu mỡ. Hằng ngày lao động nhẹ vừa sức, 60 phút đạp xe thể dục sáng chiều. 20g đi ngủ, 4g30 dậy lao động hoặc thể dục. Sống luôn lạc quan, vui vẻ, tin tưởng, kiên trì. Nhờ vậy hơn 29 năm tôi vượt qua căn bệnh hiểm nghèo.

Công Dụng Chữa Bệnh Của Cây Khế Chua.

 

Để chữa dị ứng, mày đay, mẩn ngứa, lở loét, lấy lá khế giã nát, xoa và đắp lên chỗ bị dị ứng; kết hợp dùng 16g vỏ núc nác sắc uống. Dùng lá khế, lá thanh hao, lá long não, lá thông mỗi thứ 15-20 g, nấu nước tắm.
Khế được trồng khắp nơi để lấy quả và làm thuốc. Lá khế chữa lở sơn, dị ứng, mày đay, cảm nắng, sổ mũi, sốt, ho, sốt xuất huyết, đái buốt, đái ra máu, mụn nhọt, viêm tiết niệu, viêm âm đạo, ngộ độc. Hoa khế chữa trẻ em kinh giật, ho gà, thận hư. Quả khế chữa ho, viêm họng, sổ mũi, dị ứng, lở sơn, thúc sởi, bí đái. Vỏ thân, vỏ rễ cây khế chữa đau khớp, đau đầu mạn tính, viêm dạ dày, ruột, trẻ lên sởi, ho, viêm họng. Ngoài ra, quả khế vắt lấy nước dùng tẩy các vét gỉ sắt, hoen ố trên vải lụa, quần áo.

Một số bài thuốc có khế:

- Chữa lở sơn: Lá khế tươi được dùng riêng 40 g hoặc phối hợp với lá muồng thuổng mỗi thứ 20 g, giã nát, gói vào vải sạch, đắp lên chỗ lở sơn. Có thể dùng quả khế giã nát đắp.

- Phòng sốt xuất huyết trong thời gian có dịch: Lá khế 16 g, lá dâu, sắn dây, lá tre, mã đề, sinh địa mỗi thứ 12 g, sắc uống thay nước hằng ngày.

- Thuốc làm thúc sởi, làm sởi chóng mọc và mọc đều: Quả khế thái lát phơi khô 20 g, rau rệu 20 g, lá mọc sởi 20 g sao vàng hạ thổ, sắc chia làm 2 lần uống trong ngày. Có thể dùng vỏ cây hoặc vỏ rễ cây khế cạo bỏ vỏ ngoài và vỏ xanh, ngày 20-40 g sao vàng, sắc uống.

- Chữa cảm nắng: Lá khế tươi 20 g, lá chanh 10 g giã nát, vắt lấy nước uống.

- Chữa sốt cao lên cơn giật ở trẻ em: Hoa khế, hoa kim ngân, lá dành dành, cỏ nhọ nồi mỗi thứ 8 g, cam thảo 4 g, bạc hà 4 g, sắc đặc chia nhiều lần uống trong ngày.

- Chữa đái buốt, đái ra máu, viêm bàng quang: Lá khế 80 g, rễ cỏ tranh 40 g, sắc uống.

- Chữa tiểu không thông: Dùng 7 quả khế chua, cắt mỗi quả lấy 1/3 phía cuống, đổ vào một bát nước, sắc còn nửa bát, uống khi còn ấm. Kết hợp lấy 1 quả khế và 1 củ tỏi, giã nát, đắp vào rốn.

- Phòng bệnh cho phụ nữ sau đẻ: Quả khế 20 g, vỏ cây hồng bì 30 g, rễ cây quả giun 20 g, sắc uống thay nước.

Công Dụng Tuyệt Vời Của Cây Húng Lũi.

 
Trong húng lũi có chứa hợp chất perillyl, có khả năng giải tán sự tụ tập của các tế bào gây ung thư ruột, phổi, da...
Hàng thế kỷ nay, húng lũi đã cống hiến cho đời hương thơm, vị the và một khả năng chữa bệnh tuyệt vời. Tên cúng cơm của nó là mentha (mint). Dòng họ mint có rất nhiều gia tộc, trong đó húng lũi (spearmint) là một thành viên.

Phòng chống nhiều loại bệnh

'Tuyệt chiêu' của húng lũi là làm dịu đi những cồn cào khó chịu ở dạ dày. Cho dù chỉ cần vài lá bỏ vào tách trà nóng hoặc vài cọng húng lũi cũng đủ làm chén cơm thêm phần hương vị thì húng lũi đều có khả năng phát huy tối đa công dụng. Do một loại hương liệu có trong lá húng lũi, loại hương liệu này sẽ kích hoạt tuyến nước bọt cũng như các tuyến khác tham gia vào quá trình tiêu hóa, làm cho những tuyến này tiết ra những men (enzymes) tiêu hóa.

Đâu chỉ có thế thôi, húng lũi còn giúp cải thiện hội chứng kích ứng ruột, làm chậm đi sự tăng sinh của vi khuẩn và các loại nấm gây bệnh. Húng lũi cũng có công trong điều trị bệnh suyễn, các bệnh về hô hấp do khả năng làm 'nguội' và làm dịu cổ họng, mũi, các ống hô hấp...




Những nghiên cứu gần đây cũng cho thấy húng lũi có khả năng phòng chống ung thư do trong húng lũi có chứa một loại hợp chất gọi là perillyl, chất này có khả năng giải tán sự tụ tập của các tế bào gây ung thư ruột, phổi, da... Nước ép húng lũi là loại nước vệ sinh da mặt tuyệt hảo. Tinh dầu húng lũi còn chống lở chốc, đặc tính này còn được áp dụng chữa trị những vết cắn của côn trùng như muỗi, ong...

Giữ hơi thở thơm tho

Húng lũi còn có một đặc tính 'ăn tiền' khác là giúp vệ sinh răng miệng, làm hơi thở thơm tho do có khả năng ức chế sự tăng trưởng của các vi khuẩn sống bám ở răng, lưỡi...

Hiện nay, người ta dùng húng lũi vào nhiều lĩnh vực khác nhau như thực phẩm (kem, rượu, bia...), mỹ phẩm, dược phẩm. Ngành công nghiệp thuốc lá cũng ăn theo. Hóa chất nổi tiếng có trong húng lũi là menthol. Các nhà sản xuất thuốc lá đã đưa menthol vào thuốc lá để đem lại vị the và hương thơm. Đã có những khuyến cáo rằng phụ nữ hút nhiều thuốc lá có nhiều menthol càng khó có khả năng sinh nở, đàn ông hút nhiều thuốc lá có menthol sẽ dễ bị bất lực. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn không biết chắc rằng menthol có phải là đồng phạm với khói thuốc lá hay không.

Nhiều tin đồn cho rằng húng lũi có khả năng cải thiện các hoạt động của não. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được minh chứng bằng giấy trắng mực đen.
Một người anh em bà con của húng lũi là rau húng bạc hà (chớ nhầm lẫn với cây bạc hà dùng để nấu canh chua của người miền Nam) có những dược tính tương tự.

Công Dụng Chữa Bệnh Của Cây Ngô Đồng.


Vỏ Ngô đồng dùng làm thuốc tẩy, trị táo bón, gây nôn, lợi sữa. Lá dùng trị ghẻ lở. Trong dân gian, người ta dùng cuống lá dầm nát, đặt rịt chữa sa tử cung và dùng cuống lá, thân cây, giã ra chế nước sôi uống trị ho ra máu, khạc ra máu.

Ngô đồng hay còn gọi Ngô đồng cây dầu lai có củ, Sen lục bình, tên khoa học: Jatropha podagrica Hook.f. Họ Thầu dầu EUPHORBIACEAE. Gốc phình to như cái lọ, xù xì, mập, phân nhánh ít. Lá có cuống đính gần gốc, màu xanh bóng, nhẵn, đẹp. Lá chia thành thuỳ (3 - 5 thuỳ to) và những phiến hẹp như kim. Cụm hoa to, đỏ như cụm hoa của cây San hô. Cuống chung dài, mập, màu xanh xám, thẳng. Cụm hoa cờ hình ngù màu đỏ. Hoa có 5 cánh dài 7 - 8mm, màu đỏ tưi. Bầu hình trái xoan, nhẵn, màu xanh bóng. Quả nang thường nổ mạnh tung hạt đi khắp nơi.

Cây có nguồn gốc ở Trung và Nam Mỹ. Cây có dáng đẹp, lá xanh quanh năm và cụm hoa độc đáo, lâu tàn (gần như có quanh năm). Ở nước ta cây Ngô đồng rất được ưa chuộng, trồng bằng hạt, phổ biến từ đồng bằng đến miền núi.

Vỏ Ngô đồng dùng làm thuốc tẩy, trị táo bón, gây nôn, lợi sữa. Lá dùng trị ghẻ lở. Trong dân gian, người ta dùng cuống lá dầm nát, đặt rịt chữa sa tử cung và dùng cuống lá, thân cây, giã ra chế nước sôi uống trị ho ra máu, khạc ra máu.

Cây có tác dụng mạnh đến các mô bị viêm nhiễm khi các mô này có nguy cơ làm mủ như: Nhọt độc, viêm cơ, viêm hạch, viêm tuyến mang tai.

Cách dùng:

Nếu nhọt mới phát, giai đoạn sưng tấy ban đầu, ngắt một búp lá cho nhựa chảy ra, lấy nhựa đó bôi lên mặt da có nhọt, bôi rộng thêm ra phía ngoài, bôi nhiều lần, để một lúc cho khô, rồi bôi lại. Chú ý đừng để nhựa này dính ra quần áo sẽ không giặt tẩy sạch được.

Nếu nhọt đã đến thời kỳ lên mủ thì ngắt 1 - 3 lá rửa sạch, thêm một chút muối, giã nhuyễn rồi đắp lên mụn, bó lại. Mỗi ngày 1 lần, làm 3 - 5 ngày rồi tháo mủ.

Các mũi tiêm khi có nguy cơ bị áp-xe thì cần bôi ngay nhựa cây này lên vùng tiêm, ngày 2 - 3 lần là được.
Các vết thương nông, nhỏ như trẻ đứt tay, đứt chân, nếu bôi ngay nhựa của cây này trực tiếp lên vết thương, giữ gìn sạch sẽ là có thể yên tâm không bị nhiễm trùng.

Một số người lấy phần phình của thân cây đã trồng được vài năm đem gọt bỏ vỏ thái mỏng, phơi se rồi sao vàng, ngâm rượu làm rượu bổ. Tuy nhiên thực tế chưa phân tích hoạt chất nên phơi thận trọng khi dùng.