27 thg 9, 2011

Bí ẩn những viên ngọc cổ Trung Hoa


Khi khai quật nhiều ngôi mộ cổ ở Trung Quốc, các nhà khoa học ngạc nhiên thấy xác chết sau mấy nghìn năm vẫn nguyên vẹn. Họ cho rằng ngọc thạch, được cho vào rất nhiều trong quan tài, đã làm nên điều kỳ diệu đó.

Khi nhận xét về thú sử dụng ngọc ở Trung Quốc, một nhà khảo cứu về kim hoàn ở phương Tây, tiến sĩ Alfred Doodan (Mỹ) đã viết: Người Trung Hoa cho rằng ngọc là vật quý, hội đủ 5 đức tính cơ bản của con người là nhân, lễ, nghĩa, trí, dũng.
Do đó ngọc được tôn sùng. Ngày xưa, chỉ những nhà quyền quý mới có được ngọc. Vua chúa dùng nó làm biểu tượng cho quyền lực, địa vị tối cao (như ngọc tỷ - con dấu riêng của hoàng đế dùng đóng dưới các văn kiện quan trọng). Có thời, dân thường không được dùng bạch ngọc làm của riêng, bởi nó chỉ được dùng làm ngọc tỷ, ngọc bội.
Khoảng 300 năm trước Công nguyên, ở nước Sở, vào triều Lệ Vương, có Biện Hòa là một thường dân may mắn có được một viên ngọc thô (chưa được trau chuốt). Ông ta biết chắc đó là viên ngọc cực quý nên đi hiến cho vua để tỏ dạ trung thành. Lệ Vương nhìn thấy viên ngọc thô thiển, có ý xem thường, bèn bảo một tay thái giám mài thử xem thật giả. Tên thái giám sợ Biện Hòa có công dâng ngọc sẽ được sủng ái hơn mình nên bảo là đồ giả, khiến Biện Hòa bị chặt mất một chân.
Lệ Vương chết, Vũ Vương nối ngôi. Biện Hòa lại xin vào dâng ngọc. Viên quan được vua sai thử ngọc có tư thù với ông nên lại tâu là đồ giả, khiến Biện Hòa bị chặt nốt chân kia. Quá uất hận, Biện Hòa ôm viên ngọc, lao đầu vào tường toan tự tử. Vũ Vương ngăn lại, đích thân xem xét viên ngọc và nhận ra nó cực kỳ quý giá. Nhà vua hối hận nhưng đã muộn, vì Biện Hòa đã tàn phế, máu của ông đã loang đỏ sân triều. Từ đó, viên ngọc quý này được gọi là “ngọc bích Biện Hòa”, viên ngọc đẫm máu trong lịch sử Trung Hoa.
Còn có một loại ngọc rất kỳ bí, chỉ ở Trung Quốc mới có. Đó ngọc chôn theo người chết, mà người phương Tây gọi là Grave Jade (ngọc dưới mồ). Theo niềm tin của người Trung Hoa, ngọc thạch có một tính năng siêu phàm: trị bệnh, giúp trường sinh bất lão, giữ xác chết mãi mãi nguyên vẹn, mang lại phúc lành...
Trong các ngôi mộ cổ được khai quật gần đây ở miền trung Trung Quốc, người ta tìm thấy rất nhiều ngọc thạch. Có một điều hết sức lạ là ở những mộ có nhiều ngọc thạch chôn theo, xác chết vẫn còn nguyên vẹn dù đã hơn 2.000 năm.
Chẳng hạn như trường hợp của hoàng tử Liêu Thân và vợ là Tôn Vãn thuộc triều Hán, đã được chôn ngót 2 thiên niên kỷ. Khi khai quật, những người chứng kiến đã vô cùng kinh ngạc bởi cả hai xác chết vẫn còn nguyên vẹn, chẳng khác gì các xác ướp trong hầm mộ của người Ai Cập cổ đại. Các thi thể chẳng hề được tẩm ướp bất cứ thứ gì, nhưng bên cạnh có rất nhiều ngọc. Sau khi nghiên cứu kỹ, các nhà khai quật cho rằng, chính ngọc thạch đã giữ được sự nguyên vẹn của thi hài.
Một điều lạ nữa là những viên ngọc chôn một thời gian dài dưới mồ ấy sau khi đào lên có sự biến đổi khác thường: Bạch ngọc từ trong suốt trở nên trắng đục hơn, từ bên trong ửng lên các vân màu hồng, giống như những sợi chỉ máu. Cẩm thạch từ màu xanh lục biến thành sẫm hơn, ửng hồng như nhuộm với máu. Riêng hồng ngọc, hoàng ngọc, lam ngọc... màu sắc cũng sẫm thêm nhưng khi đặt dưới ánh sáng mặt trời hay ánh sáng đèn, chúng rực lên một thứ ánh sáng lung linh kỳ dị, như từ một cõi u minh nào đó. Người ta cho rằng, những viên ngọc đó đã thấm máu và tinh khí từ cơ thể người, hay đúng hơn là thấm hồn người chết. Do đó nó càng trở thành vô giá, cực kỳ linh thiêng.
Ngọc còn được coi là giúp duy trì tuổi trẻ và sắc đẹp. Tương truyền, Từ Hy Thái hậu vẫn giữ được sự tươi trẻ, uy nghiêm khi sắp qua đời là nhờ có khả năng kỳ diệu của ngọc thạch.
Từ Hy được một nhà sư Tây Tạng bí mật chỉ cho cách dùng ngọc để giúp làn da mãi tươi nhuận, dù già vẫn không có nếp nhăn: Dùng ngọc trai nấu nhừ, tán nhuyễn, pha với sữa của phụ nữ có con so rồi thoa lên mặt, lên da mỗi buổi sáng và tối. Và quả thực Từ Hy khi đã trên 60 tuổi vẫn có nhan sắc của một phụ nữ trẻ.
Người ta cho rằng sự tươi trẻ đó một phần cũng nhờ hai viên bạch ngọc thuộc loại quý hiếm nhất, có kích cỡ bằng quả trứng mà thái hậu luôn mang theo người. Chính các Lạt ma bảo đảm với Thái hậu rằng, khi nào bà còn giữ được hai viên bảo ngọc đó trong người thì sinh lực sẽ luôn dồi dào, đẩy lùi được mọi bệnh tật...
Đúng hay sai về truyền thuyết trên, cho đến nay chưa ai chứng minh được. Nhưng người Trung Quốc ngày nay vẫn tin rằng ngọc thạch có nhiều khả năng kỳ lạ, huyền bí nên tiếp tục tôn sùng thứ bảo thạch đó và đem cái đam mê này truyền sang cho rất nhiều người trên thế giới.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

Mộ Đời Hán Mã Vương Đôi Trường Sa, Hồ Nam



 

  Thập niên 70 thế kỷ 20 , việc khai quật mộ Đời Hán Mã Vương Đôi ở Trường Sa miền Nam Trung Quốc đã làm chấn động cả nước Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung . Nữ thi hài được bảo tồn hoàn chỉnh trong ngôi mộ này là thi hài ướt được lần đầu tiên phát hiện trên thế giới . Hài cốt này đã chôn dưới mộ hơn 2000 năm , nhưng vẫn có nét mặt sinh động , bắp thịt mang tính đàn hồi , đó là điều khiến người ta không sao tưởng tượng được . Bên cạnh đó , mộ Đời Hán Mã Vương Đôi còn khai quật ra hàng loạt văn vật quý hiếm với chủng loại đầy đủ , bảo tồn hoàn chỉnh và rất có giá trị , xứng đáng là của quý của Nước văn minh cổ kính Trung Hoa .

  Tại phía Đông ngoại ô thành phố Trường Sa tỉnh Hồ Nam ở miền Nam Trung Quốc , trong dân gian luôn lưu truyền rằng , nơi đây có ngôi mộ lớn , có người đồn rằng một vương hầu họ Mã an táng tại đây , vì vậy nơi đây có tên gọi là “Mã Vương Đôi ” ; còn có tin đồn cho biết , đây là nơi an táng mẹ thân sinh của vua Trường Sa thời xưa , vì thế mà có rất nhiều truyện ly kỳ . Cho đến lần khai quật tình cờ trong thập niên 70 thế kỷ 20 , người chủ của ngôi mộ lớn này mới được xác định . Năm 1971 chính tại Mã Vương Đôi Trường Sa , khi người ta đang khai quật dưới hầm nhà và đào đến lớp đất sâu mười mấy mét dưới lòng đất thì phát hiện những cục đất trắng vừa mịn vừa mềm . Công nhân lấy choòng thép khoan vào đất , khi choòng thép rút ra khỏi bột đất trắng , lỗ khoan bèn xông lên khí thải với mùi sặc người . Lúc đó vừa vặn có người dùng diêm , khí thải bị cháy , hình thành ngọn lửa xanh đỏ ,chẳng khác gì con rắn cử động bị cháy . Có người phun nước vào ngọn lửa , song nước bị bắn trở về bởi sức ép khí thải quá mạnh . Cuối cùng dùng bao tải đựng đất mới bịt kín lỗ khoan và dập tắt ngọn lửa .

Qua thăm dò tại chỗ , chuyên gia bước đầu xác định ở dưới có ngôi mộ thời xa xưa . Sau khi đào ra , người khai quật phát hiện , dưới mộ và trong hầm đặt áo quan có đắp bột đất trắng dày hơn 1 mét , dưới bột đất trắng trải lớp than củi rất dày , tổng cộng có khoảng 5000 ki-lô-gam , chở đầy 4 xe cam-nhông . Bốc hết than củi mới lộ ra áo quan , trên áo quan trải mấy chục chiếc chiếu tre , lúc đào ra , chiếu tre màu vàng nhạt , bóng loáng mới tinh , song mấy chục phút sau , chiếu tre đã mục nát và trở thành mầu đen . Trong mộ có 4 tầng áo quan , áo quan tầng bên ngoài dài gần 7 mét , rộng 5 mét , cao gần 3 mét .

  Sau khi mở áo quan ra , mọi người đều cảm thấy hết sức kinh ngạc bởi nét mặt sinh động của nữ thi hài nằm trong áo quan . Nhìn từ bên ngoài , nữ thi hài này rất hoàn chỉnh , mặt mũi vẫn phân biệt được rất rõ , mái tóc bóng mịn , đường nét các ngón tay và ngón chân cũng rất rõ , làn da ẩm ướt , bắp thịt có tính đàn hồi , khớp bốn chi có thể cử động . Kết quả giải phẫu cho thấy , các phủ tạng của nữ thi hài này hoàn chỉnh , trong thực quản , dạ dày và ruột non có hơn 100 hạt dưa , chứng tỏ bà bị chết khi đang ăn hạt dưa , thời gian chết là vào mùa thu hoạch dưa . Trong mộ có con dấu khắc ba chữ “ Thiếp Tân Truy ” . Qua khảo chứng , người chủ của mộ này được chôn cất hồi thế kỷ thứ hai trước công nguyên , là phu nhân của Lợi Thương , vị thừa tướng Nước Trường Sa thời kỳ đầu Tây Hán , bà có tên gọi là Tân Truy .

  Việc phát hiện “nữ thi hài ngàn năm bất hủ ” đã làm chấn động thế giới . Các chuyên gia , du khách , người quay phim , nhà nghiên cứu khoa học v.v lũ lượt kéo đến thành phố Trường Sa . Theo thống kê của ngành hữu quan , trong quãng thời gian  ngắn sau khi khai quật ngôi mộ nữ thi hài Mã Vương Đôi , số dân đi lại thành phố Trường Sa bỗng dưng lên tới 50 nghìn người . Trong hai năm sau khi khai quật mộ Tân Truy , lại khai quật được hai ngôi mộ lớn ở gần đó , kết quả khảo chứng cho thấy , người chủ của ngôi mộ chính là chồng bà Tân Truy , tức ông Lợi Thương , vị thừa tướng của Nước Trường Sa , người chủ của ngôi mộ khác là con trai của hai ông bà . Ba ngôi mộ này được gọi chung là “Mộ Đời Hán Mã Vương Đôi Trường Sa ” . Những văn vật khai quật được trong mộ Đời Hán Mã Vương Đôi hết sức phong phú , trong đó gồm có quần áo , thực phẩm , thuốc bắc , đồ sơn , tượng gỗ , nhạc cụ , đồ gốm , tranh lụa và rất nhiều sách lụa và thẻ tre . Những văn vật đó có tính nghệ thuật , tính thực dụng và giá trị rất cao . Mộ này đã khai quật ra hơn 1400 kiện hàng dệt , được gọi là “Kho báu tơ lụa Đời Tây Hán khiến người ta kinh ngạc ”. Trong đó có hai chiếc áo lụa mỏng dài hơn 1 mét , hai ống tay vươn dài gần 2 mét , nhưng chỉ nặng 28 gam , với chiếc áo dài như vậy mà gấp lại có thể nắm trong một bàn tay , nếu mặc vào người quả là “mỏng như cánh ve ,nhẹ như sương khói ” như sự miêu tả trong sách cổ , điều này nói lên kỹ thuật dệt của Trung Quốc lúc bấy giờ đã đạt trình độ cao . Sách lụa và thẻ tre khai quật trong mộ không những có những chuyên thảo về thiên văn sớm nhất thế giới như :“Ngũ Tinh Chiêm ” , “Thiên văn khí tượng tạp chiêm ”v.v , mà còn có những chuyên thảo y dược lâu đời nhất Trung Quốc như “Mạch Pháp ” , “Năm mươi hai phương thuốc ” v.v. Sách lụa khai quật trong mộ Đời Hán Mã Vương Đôi với số lượng đáng kể , nội dung quan trọng , trên mức rất lớn đã thay đổi nhiều quan niệm học thuật và nhận thức truyền thống trước đây của Trung Quốc .
  Việc khai quật Mã Vương Đôi Trường Sa có ảnh hưởng sâu xa đối với giới khảo cổ Trung Quốc . Chuyên gia cho rằng , nữ thi hài trong mộ Đời Hán cách đây 2000 năm được bảo tồn hoàn hảo có giá trị hết sức to lớn ,bên cạnh đó còn có những mặt hàng tùy táng đồng bộ , sách lụa và thẻ tre với nội dung tuyệt mật . Trên thực tế , nếu có được một trong ba thứ đó đã là sự phát thiện quan trọng của giới khảo cổ , nhưng mộ Đời Hán có cả toàn bộ ba thứ nói trên , đó là điều có một không hai trong lịch sử khảo cổ TQ . Vì vậy , việc khai quật mộ Đời Hán Mã Vương Đôi Trường Sa được coi là “một trong những khảo cổ quan trọng nhất TQ nói riêng và thế giới nói chung của thế kỷ 20 ” .


Lại có bài viết nói rằng:
Năm 1972, một đơn vị quân đội Trung Quốc trong quá trình đào hầm phòng không ở tỉnh Hồ Nam, đã phát hiện ngôi mộ cổ Mã Vương Đôi đời Hán và liền báo cáo về Viện Khảo cổ thuộc Viện Khoa học Trung Quốc. Người phụ trách Viện Khảo cổ khi đó là ông Hạ Nãi cùng một số nhân viên lập tức tới hiện trường. Được hơn 30 xã viên của một đội sản xuất gần đó trợ giúp, Viện Khảo cổ đã khai quật được thi hài một phụ nữ chôn từ đời nhà Hán cách đây hơn 2.000 năm mà da vẫn tươi và đàn hồi khi sờ vào! Phát hiện này gây chấn động giới khảo cổ. Khi đó Thủ tướng Chu Ân Lai nói: Thi hài người phụ nữ trong mộ Mã Vương Đôi đã được bảo quản hơn 2.000 năm, liệu Trung Quốc có thể bảo quản thêm 200 năm nữa không? Bí ẩn từ ngôi mộ cổ này đã đặt ra cho các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử và khảo cổ khi đó hai vấn đề.


Khuôn mặt người phụ nữ bí ẩn được vẽ lại theo thi hài
Một là, kỹ thuật bảo quản xác ướp của người xưa ra sao để có thể giữ thi hài hơn 2.000 năm mà không bị thối rữa? Thứ hai, người phụ nữ này là ai mà lại được an táng theo nghi thức bậc nhất như vậy?
35 năm trôi qua, ngày 15/1/2007, Chủ nhiệm Trung tâm bảo vệ văn vật cổ khu mộ Mã Vương Đôi thuộc Đại học Trung Nam, giáo sư - tiến sĩ La Học Cảng, cho biết thi hài ở ngôi mộ đời Hán nói trên là của Tân Truy phu nhân. Trước đó 5 năm, Viện Khảo cổ đã cho di chuyển thi hài này tới nơi có khả năng bảo quản lâu hơn. Phòng bảo quản luôn duy trì nhiệt độ từ 0 tới 4°C, vô trùng, quan tài được bịt kín trong chân không, đồng thời có dung dịch chống phân hủy. Tuy nhiên do khi khai quật, điều kiện bảo quản không tốt, vì vậy hiện giờ da mặt của thi hài trắng xanh, không được hồng hào, thân thể hơi bị trương lên, nhưng xương cốt vẫn tốt.
Giáo sư La nói rằng cho tới nay các nhà khoa học vẫn chưa giải mã được những bí ẩn về thuốc ướp xác giúp giữ thi hài không bị thối rữa mà vẫn hồng hào trong hơn 2.000 năm. Theo ông La, khi khai quật, trong quan tài có dung dịch màu hồng, được xem là thuốc ướp xác. Qua nghiên cứu cho thấy dung dịch này rất phức tạp, bao gồm các chất như thạch tín, chu sa, thủy ngân... Ngoài ra, còn phát hiện trong quan tài có rất nhiều vị thuốc bắc. Thời gian qua, Trung Quốc cũng khai quật nhiều mộ cổ khác và phát hiện những chất tương tự như trên trong quan tài, nhưng thi hài lại bị phân hủy chỉ còn lại hài cốt, còn của Tân Truy phu nhân vẫn nguyên vẹn. Bí ẩn này có thể do phương pháp và tỷ lệ pha chế các chất ướp xác. Ngoài ra, môi trường khi chôn khô ráo, quan tài bịt rất kín, cách biệt hoàn toàn với không khí bên ngoài cũng có thể là những yếu tố góp phần giữ thi hài hơn 2.000 năm.
Một phụ nữ địa vị không cao, chỉ là phu nhân của Tướng quốc, mà lại được chôn cất theo cách thức đặc biệt như vậy, với những thứ đồ táng xa xỉ, trong đó có chiếc áo bằng the mỏng chỉ nặng 49 gram, là bí ẩn khiến các nhà khảo cổ và nghiên cứu lịch sử đau đầu. Sau một thời gian dài nghiên cứu, đối chiếu các tư liệu lịch sử, tới năm 2003, các nhà khoa học tạm giải mã về bí ẩn này như sau:
Năm 202 trước công nguyên, Tân Truy là cô gái 16 tuổi vùng Hồ Nam có sắc đẹp tuyệt trần được gả cho Giang Hạ Vương Phủ. Trong ngày hôn lễ, khi bị đại quân Hàn Tín tấn công phá thành, vương thất của Giang Hạ quyết không đầu hàng nhưng chỉ có Tân Truy dám mở cửa thành chất vấn Hàn Tín về hành động này. Vẻ đẹp cũng như tính tình của Tân Truy khiến Hàn Tín đem lòng yêu mến người nữ tù binh này. Hoàng đế Lưu Bang khi thấy Tân Truy đã say đắm và tìm mọi cách chiếm đoạt nàng từ tay Hàn Tín. Vậy là mâu thuẫn trong triều Hán bắt đầu nảy sinh, Lưu Bang tìm cách diệt các vị tướng có công dựng nước vì sợ họ làm phản, trong đó có Hàn Tín, đồng thời đoạt lấy mỹ nhân Tân Truy.
Sau thời gian ở với Lưu Bang, Tân Truy đã trốn khỏi cung trong khi mang thai. Đứa con mà Tân Truy sinh ra được mạo nhận là con của vương phi họ Bạc để đưa vào cung và lấy tên là Lưu Hằng, còn Tân Truy lưu lạc trong thiên hạ. Sau khi Lưu Bang chết, Lã Hậu phế bỏ Thái tử Lưu Thắng để xây dựng thế lực họ Lã. Các quan trong triều đã liên kết với nhau để tiêu diệt họ Lã, lập Lưu Hằng lên ngôi, hiệu là Hán Văn Đế. Sau khi biết về mẹ đẻ của mình, Hán Văn Đế đã cho người đi tìm khi Tân Truy đang là vợ của một thường dân. Hán Văn Đế đưa bà về cung và phong cho người cha dượng là Tướng quốc. Tân Truy qua đời lúc trên 50 tuổi và được Hán Văn Đế cho an táng với nghi lễ cao nhất.